Giờ không còn là những năm 90 nữa. Phần cứng máy tính hiện nay tràn ngập đủ thể loại, nếu không để ý rất dễ mắc sai lầm khi lựa chọn các thành phần phần cứng như màn hình, RAM và bộ vi xử lý.
Bài viết dưới đây của trang tin công nghệ Maketecheasier sẽ chia sẻ với bạn đọc những sai lầm phổ biến nhiều người mắc phải khi đi chọn mua phần cứng máy tính.
1. Chọn CPU dựa trên số lõi và tốc độ
Sai lầm lớn nhất mà mọi người mắc phải khi chọn mua bộ vi xử lý (CPU) là hầu như chỉ dựa vào tốc độ xung nhịp (GHz hoặc MHz). Một số người am hiểu hơn còn quan tâm đến số lõi của CPU. Vậy tại sao CPU Intel Pentium 965 lại rẻ hơn CPU Intel Core i3-2130 trong khi cả hai đều có 4 lõi và tốc độ xung nhịp như nhau?
Câu trả lời là hai CPU trên không sử dụng công nghệ giống nhau. Core i3 sử dụng nhiều loại công nghệ mới nên có thể xử lý nhanh hơn Petium 965 trên cùng tốc độ xung nhịp. Ngoài ra, Core i3 còn tích hợp bộ xử lý đồ họa (GPU), nghĩa là nó có thể xử lý đồ họa mà bạn không cần sắm thêmcard đồ họa rời. Xử lý đồ họa trong Core i3 không phải là mạnh nhưng nó hữu ích trong trường hợp card đồ họa rời của bạn bị hỏng.
Một vấn đề nữa cần xem xét là kích thước của bóng bán dẫn (transistor). Intel Core i3 sử dụng cấu trúc bán dẫn Nehalem 32 nm (nanometer), còn chip Pentium dùng cấu trúc cũ Penryn 65 nm. Tại sao kích thước bóng bán dẫn lại quan trọng? Hiểu đơn giản là hai bộ vi xử lý có cùng sức mạnh xử lý nhưng bóng bán dẫn trên chip Core i3 nhỏ hơn nên chip có kích cỡ bé hơn và tiêu hao điện năng sẽ ít hơn. Tiêu hao ít điện năng không chỉ giúp tiết kiệm điện mà quan trọng nữa là nó sinh nhiệt ít hơn, giúp máy tính hoạt động mát và ổn định hơn.
2. Chọn RAM dựa vào dung lượng
Hầu hết mọi người chọn RAM dựa trên dung lượng của RAM nhưng quên mất yếu tố tốc độ. Một RAM 4GB tốc độ 1333 MHz rõ ràng sẽ chạy chậm hơn RAM tốc độ 1600 MHz. Giá RAM hiện nay khá rẻ. Vì vậy, bạn đừng ngần ngại bỏ thêm vài trăm nghìn để có thanh RAM tốc độ nhanh hơn.
3. Chọn card đồ họa dựa trên số VRAM và sức mạnh GPU
Nếu số lượng RAM xử lý video (VRAM) và sức mạnh GPU trên card đồ họa là những gì bạn quan tâm khi mua card đồ họa thì có lẽ bạn chỉ cần bỏ ra 30 USD để sắm chiếc GeForce GTS210. Nhưng thực tế, việc chọn card đồ họa không đơn giản như vậy. Card đồ họa giống như một chiếc máy tính hoàn chỉnh. Nó cũng có thông số RAM riêng, GPU riêng và một số chi tiết khác bạn cần để ý. Khi mua card đồ hoạ mới, cũng cần lưu ý đến dung lượng băng thông. Đây là yếu tố xác định số lượng dữ liệu nó có thể gửi tới máy tính của bạn tính theo đơn vị giây. Nói chung, mua card đồ họa là việc không dễ dàng, bạn nên cẩn thận tìm hiểu đánh giá từ các trang công nghệ uy tín hoặc nhờ người hiểu biết thực sự về công nghệ tư vấn.
4. Chọn ổ cứng dựa trên dung lượng ổ
Ổ cứng là thành phần chậm nhất của máy tính. Nó là thành phần kéo mọi thành phần xử lý khác trong máy tính chậm theo và khiến bạn phải chờ đợi trong quá trình sử dụng. Đó là vấn đề với ổ cứng cơ, còn gọi là ổ cứng HDD hay ổ cứng thường. Ổ cứng thể rắn SSD nhanh hơn rất nhiều nhưng chúng cũng có những vấn đề riêng.
Sai lầm lớn nhất mà nhiều người hay mắc khi chọn mua ổ cứng là chọn ổ dung lượng lưu trữ lớn mà không chú ý đến yếu tố khác.
Mỗi ổ cứng (ngoại trừ ổ SSD) có tốc độ vòng quay tính theo phút (thường viết tắt là rpm) cố định. Tốc độ vòng quay càng chậm, ổ cứng càng mất nhiều thời gian hơn khi truy lục dữ liệu. Ổ cứng có tốc độ vòng quay 7200 rpm hoặc 11000 rpm sẽ đảm bảo tốc độ làm việc nhanh hơn ổ cứng có số vòng quay 5400 rpm. Ngoài ra, cũng nên kiểm tra tốc độ tìm kiếm của ổ cứng tính theo đơn vị ms (millisecond) và so sánh với các ổ cứng khác. Nói chung, tốc độ tìm kiếm càng nhanh càng tốt.
5. Chọn màn hình chỉ vì nó to
Nhiều người thích mua màn hình máy tính lớn. Nhưng trên thực tế, bạn không nên chỉ xem xét mỗi kích thước màn hình. Nhiều yếu tố khác cũng rất quan trọng như độ sáng và độ tương phản của màn hình có dễ chịu không. Trừ khi bạn mua trực tuyến, nếu không hãy kiểm tra trực tiếp tại cửa hàng để xem chất lượng hình ảnh và độ sáng như thế nào trước khi đưa ra quyết định rút ví.